Tên tiếng Việt: Dạ cẩm, Loét mồm tía, Ngón lợn, Dây ngón cúi, Cha khẩu cẩm, Sán công mía (Dao)
Tên khoa học: Hedyotis capitellata Wall. ex G. Don. var. mollis (Pierre ex Pit.) T.N.Ninh
Họ: Rubiaceae (Cà phê)
Công dụng: Chữa đau dạ dày, viêm loét hành tá tràng, vết thương chóng lên da non, lở miệng (Lá).
- Mô tả cây
- Cây dạ cẩm vốn có tên loét mồm vì nhân dân vùng Lạng Sơn, Cao Bằng dùng nó chữa loét mồm, loét lưỡi, là một loại cây bụi-trườn, thường cuốn vào cây khác, dài tới 1-2m. Thân hình trụ, tại những đốt phình to ra. Lá đơn, nguyên, mọc đối, hình bầu dục, đầu nhọn, dài 5-15cm, rộng 3-6cm, cuống ngắn. Cụm hoa hình xim phân đôi tụ lại thành hình cầu ở đầu cành hay kẽ lá, gồm nhiều hoa hình ống nhỏ, màu trắng. Quả rất nhỏ, xếp thành hình cầu
- Trên thực tế hiện nay người ta dùng 4 loại cây dạ cẩm, có thể là tác dụng của loài mô tả trên: Cây dạ cẩm thân tím và cây dạ cẩm thân xanh (có khi gọi là thân trắng); mỗi loại lại thấy có 2 loại: loại nhiều lông nhìn rõ và loại ít lông trông không rõ. Loại thân tím có đốt cách thưa nhau, thân xanh hay thân trắng có đốt mọc xít nhau hơn.
Cây dạ cẩm
- Phân bố và thu hái
- Cây dạ cẩm hiện nay mọc hoang tại nhiều vùng rừng núi ở tỉnh Cao Bằng, Lạng Sơn, Bắc Cạn, Thái Nguyên, Hà Giang, Hà Tây chưa nơi nào đặt vấn đề trồng trọt.
- Mùa thu hái hầu như quanh năm: Thường hái lá và ngọn non, có thể dùng toàn cây, trừ bỏ rễ (tác dụng kém hơn).
- Hái về rửa sạch phơi hay sấy khô, để nơi khô ráo dùng dần hay nấu thành cao.
- Thành phần hóa học
- Chưa có tài liệu nghiên cứu. Theo sơ bộ nghiên cứu của chi hội dược Lạng Sơn, trong dạ cẩm có tanin, alcaloit, saponin.
- Năm 1967, Ngô Văn Thu (Bộ môn dược liệu Trường đại học dược khoa) còn phát hiện thấy trong rễ một loại dạ cẩm có anthra-glucozit.
- Công dụng và liều dùng
- Bệnh viện Lạng Sơn là bệnh viện đầu tiên đưa cây dạ cẩm vào điều trị bệnh đau dạ dày từ năm 1962, xuất phát từ kinh nghiệm nhân dân dùng cây này nấu nước sôi cho màu tím đẹp và điều trị viêm lưỡi, loét lưỡi và họng. Trẻ con dùng nước vắt của lá uống hoặc ngậm. Kết quả chống loét rất tốt
- Trên lâm sàng, dạ cẩm có tác dụng làm giảm đau, trung hòa axit trong dạ dày, bớt ợ chua, vết loét se lại, bệnh nhân có cảm giác khoan khoái, nhẹ nhàng.
- Có thể dùng dạ cẩm dưới hình thức thuốc sắc, thuốc cao, bột hay cốm để làm thuốc chữa bệnh đau dạ dày
- Dạng thuốc sắc: Ngày uống 10 đến 25g lá và ngọn khô, thêm nước vào sắc, thêm đường cho đủ ngọt, chia 2 hay 3 lần uống trong ngày.
- Uống trước khi ăn hay vào lúc đau.
- Cao dạ cẩm chế theo kinh nghiệm Ty y tế Lạng Sơn: Lá dạ cẩm khô 7 kg, đường kính 2kg, mật ong 1kg. Nấu lá dạ cẩm với nước thanh cao, cho vào 2kg đường đánh tan, cô lại, cuối cùng thêm 1kg mật ong tốt. Đóng thành chai 250ml.
- Ngày uống 2 đến 3 lần, trước khi ăn hoặc khi đau, mỗi lần uống 1 thìa to (tương ứng 10-15g).
- Cốm dạ cẩm: Bột dạ cẩm 7kg, cam thảo 1kg, đường kính 2kg, tá dược vừa đủ dính (hồ nếp) thêm đường và saccarin vừa đủ ngọt. Lúc đầu Ty y tế Lạng Sơn còn pha 4 phần bột dạ cẩm, 1 phần bột bồ kết nhưng sau đó bỏ bồ kết. Ngày uống 2 lần trước khi ăn hoặc khi đang đau; mỗi lần dùng 10 đến 15g, trẻ em dưới 18 tuổi từ 5 đến 10g.
- Ngày nay cao dạ cẩm đã vượt qua phạm vi Lạng Sơn và được dùng rộng rãi tại nhiều tỉnh khác. Năm 1967 Khoa dược liệu Trường đại học dược khoa đã chế tạo thành công cao mềm để lâu không bị mốc mặc dù không phải thêm chất bảo quản.
Ý kiến của bạn